Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến phản biện của Petrolimex

Investip

01:02 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Mười Một, 2018

Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) và Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức tọa đàm phân tích, đánh giá Báo cáo nghiên cứu "Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tại TP. Đà Nẵng, ngày 30.6.2017,

CTCP Sở hữu công nghiệp INVESTIP – Đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - PETROLIMEX, đơn vị sở hữu nhãn hiệu đăng ký tham gia Dự án "Nhãn hiệu nổi tiếng" đã cử đại diện tham dự và trình bày ý kiến phản biệnvề dự thảo Phụ lục 6 (PL6) của Nhóm nghiên cứu Dự án này.

www.petrolimex.com.vn-trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài phản biện này:

*****

Chúng tôi, Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP – Đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - PETROLIMEX, đơn vị sở hữu nhãn hiệu đăng ký tham gia Dự án, ghi nhận và đánh giá cao lượng thông tin phong phú thể hiện trong Dự thảo báo cáo mà Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn.

Nhằm đảm bảo cho Báo cáo nghiên cứu đáp ứng đúng mục đích và nhiệm vụ của Dự án đề ra, chúng tôi có một số ý kiến phản biện dưới đây:

1. Về kết cấu và bố cục:

- Lượng thông tin mang tính lý thuyết & học thuật chiếm tỷ trọng nhiều hơn mức cần thiết trong tương quan so với thông tin mang tính thực tiễn (về thực thi quyền , các quan điểm khoa học, nhận định, đánh giá của các chuyên gia, các cơ quan thực và thực tiễn nhận thức và đánh giá của công chúng/người tiêu dùng ở Việt Nam.

Mục đích của Dự án được xác định từ đầu là: “Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” nhằm nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ phía nhiều cơ quan, các đại diện sở hữu công nghiệp và khối các doanh nghiệp tư nhân về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, để từ đó xây dựng các căn cứ, cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chưa phù hợp và giải quyết các vướng mắc, nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại tại Việt Nam.”

Chúng tôi đề xuất nên lược bỏ những nội dung không cần thiết tại Chương 1 & 2 đưa vào Báo cáo.

- Đối với phần khảo sát thực trạng, đánh giá về Việt Nam (Chương 4 & 5) – phần trọng tâm cần xem xét, nghiên cứu chiếm tỷ trọng ít so với phần khảo sát các nước trên thế giới.

Đề nghị điều chỉnh và bổ sung (phần về Việt Nam) đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện và khách quan hơn.

- Nếu coi Báo cáo là sản phẩm quan trọng nhất của Dự án thì phần Đề xuất giải pháp trong Báo cáo được coi là giá trị cốt lõi của báo cáo, là Mục đích và là yếu tố quyết định sự thành công hay không của cả Dự án. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần kết cấu lại Chương 4 & 5 theo hướng: (i) tách toàn bộ các Đề xuất thành một chương riêng và có sự đầu tư nhiều hơn về cả lượng và chất của các Đề xuất (ii) Phần Đánh giá chúng tại Chương 5 nên gộp vào với phần Thực trạng tại Chương 4.

Sử dụng “Phương pháp pháp lý so sánh” như đã nêu tại phần Phương pháp nghiên cứu, chúng tôi đề xuất nên lập các bảng, biểu so sánh song song các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam so với quốc tế và so với Nội dung đề xuất của Nhóm nghiên cứu, như vậy sẽ dễ dàng tiếp cận và theo dõi hơn rất nhiều.

2. Một số nội dung cụ thể của Báo cáo

- Về tiêu chí/yếu tố xem xét nhãn hiệu nổi tiếng: tại trang 129 Báo cáo: “8 tiêu chí theo Điều 75 Luật SHTT về cơ bản được luật hóa bằng cách tham chiếu đến 6 yếu tố thuộc Bản khuyến nghị của WIPO năm 1999” nhưng tại một số nội dung khác, điển hình tại trang 145 – Đánh giá chi tiết, Báo cáo nhận định: “Nhóm nghiên cứu thấy rằng không nên đánh giá Nhãn hiệu nghiên cứu theo Điều 75 Luật SHTT Việt Nam hiện tại gồm 8 tiêu chí vì các lý do như đã phân tích.”

Chúng tôi nhận thấy có sự không nhất quán và thiếu logic, thậm chí làm rối vấn đề càn quan tâm chính là kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nhãn hiệu nổi tiếng.

- Cũng tại Trang 129 Nhóm nghiên cứu nhận định: “Nhóm nghiên cứu thấy rằng chỉ cần thông qua bằng chứng doanh thu, lợi nhuận, thị phần là có thể đánh giá được mức độ biết đến hoặc công nhận nhãn hiệu bởi công chúng…”

Chúng tôi cho rằng nhận định này mang tính chủ quan, không phản ánh toàn diện và chính xác về trạng thái của nhãn hiệu.

Nhận định trên cũng không logic với cái được gọi là “matter of fact” Nhóm nghiên cứu đưa ra tại Trang 146.

- Tại Trang 130 Báo cáo ghi: “Tất nhiên tính chất danh tiếng hay uy tín rõ ràng và không còn tranh cãi là tính chất quan trọng mang tính quyết định…”

Nhưng tại Trang 141, điểm 6 b) Nhóm nghiên cứu đề xuất:”Cục trưởng Cục SHTT hoặc Chánh Thanh tra Bộ KHCN không được quyết định bất kỳ yếu tố nào trong số 6 yếu tố theo Điều 75.2 Luật SHTT mang tính tiên quyết”

- Tại trang 132 Báo cáo ghi: “Nói một khác đi, không phải mọi nhãn hiệu nổi tiếng đều có phạm vi bảo hộ như nhau, hoặc không phải một nhãn hiệu cứ hễ được coi là nổi tiếng thì nhãn hiệu nộp sau trùng hoặc tương tự với nó dùng cho bất kỳ hàng hóa/dịch vụ nào cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng”

Chúng tôi không rõ căn cứ vào quy định pháp luật nào? Cơ cở lý luận và thực tiễn nào mà Nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định: “không phải mọi nhãn hiệu nổi tiếng đều có phạm vi bảo hộ như nhau”

Ở đoạn sau: “không phải một nhãn hiệu cứ hễ được coi là nổi tiếng thì nhãn hiệu nộp sau trùng hoặc tương tự với nó dùng cho bất kỳ hàng hóa/dịch vụ nào cũng bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng”. Nhóm nghiên cứu chắc chắn hiểu rõ hành vi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là quyền và bản thân hành vi nộp đơn không báo giờ cấu thành hành vi xâm phạm quyền.

- Tại trang 149 Báo cáo ghi: “Nhóm nghiên cứu chia thành 2 cấp độ: rất nổi tiếng và nổi tiếng. Cấp độ 1 - rất nổi tiếng dành cho các nhãn hiệu được biết tới, được công nhận rộng rãi ở mức độ rất cao và có danh tiếng. Thường thì cấp độ 1 này đòi hỏi mức độ biết đến và công nhận rộng rãi không chỉ đối với một bộ phận công chúng có liên quan mà còn bao gồm cả một hoặc vài bộ phận công chúng khác không liên quan đến việc sử dụng sản phẩm. Cấp độ 2 – nổi tiếng dành cho loại nhãn hiệu”

Chúng tôi khá băn khoăn về cơ sở và lí do đưa ra 2 cấp độ như trên. Hơn nữa, bản thân các yếu tố xem xét và bản thân khái niệm nổi tiếng đã mang nhiều yếu tố Định tính, rất khó xác định, nếu Nhóm nghiên cứu đưa thêm khái niệm RẤT nổi tiếng thì sẽ xác định dựa vào đâu? Hơn nữa, nếu kiến nghị đưa vào Luật, thì RẤT là từ luôn được khuyến cáo tránh.

Chúng tôi cũng hiểu rằng Nhóm nghiên cứu không coi nổi tiếng là 1 LOẠI nhãn hiệu mà là trạng thái của nhãn hiệu. Vì vậy nên nhận định bên trên cần xem xét thể hiện khác đi, tránh gây khó hiểu.

- Chúng tôi nhận thấy đề xuất thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm Chánh thanh tra Bộ KH &CN có lẽ không thực sự phù hợp về chức năng, thẩm quyền. Đồng thời cân nhắc khả năng đưa thêm thẩm quyền này cho đơn vị độc lập có chuyên môn – như mô hình Viện Khoa học SHTT.

Giá trị pháp lý của việc công nhận và thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cũng cần được làm rõ hơn, để có tính khả thi khi đưa vào Luật/văn bản hướng dẫn dưới luật sau này.

3. Phần đánh giá chi tiết của Báo cáo

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và chia sẻ với các ý kiến phản biện về đánh giá chi tiết liên quan đến nhãn hiệu “P PETROLIMEX, hình” tham gia Dự án do Đại diện PETROLIMEX trình bày tại Tọa đàm.

Theo đó, các thông tin, nhận định phiến diện, chưa chính xác và/hoặc chưa được kiểm chứng cần phải được loại bỏ khỏi Báo cáo và tất nhiên không được coi là căn cứ, cơ sở để xem xét, đánh giá.

Về phía chúng tôi, với tư cách là đại diện theo ủy quyền của PETROLIMEX, kiến nghị Nhóm nghiên cứu nghiêm túc xem xét, tiếp thu các ý kiến phản biện đã trình bày và thảo luận tại Tọa đàm để đảm bảo việc đánh giá tình của nhãn hiệu được khách quan, toàn diện và khoa học.

Trong trường hợp Nhóm nghiên cứu nhận thấy cần trao đổi làm rõ thêm hoặc cần bổ sung thêm số liệu, thông tin liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tham gia Dự án của PETROLIMEX, chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi và thảo luận.

4. Đề xuất chung:

Trong trường hợp Ban điều phối, tự mình và/hoặc thông qua xem xét các ý kiến phản biện, nhận thấy rằng Dự thảo Báo cáo chưa đạt yêu cầu và cần thêm thông tin và bổ sung/thay đổi nhân lực để Nhóm nghiên cứu có đủ khả năng hoàn thiện Báo cáo khách quan, toàn diện và chuẩn xác nhất thì việc kéo dài thêm thời gian thực hiện Dự án là cần thiết./.

Đà Nẵng, ngày 30.6.2017

Xin mời Quý vị nghiên cứu ý kiến Phản biện của Petrolimex: Tại đây

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội