Nghị định thực hiện đầy đủ mới có tác dụng

Thanh Hương - Nguyễn Hải

05:41 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Năm, 2013

Sáng nay (ngày 17/5), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã tổ chức Hội thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất, hướng tới thị trường xăng dầu minh bạch.


CôngThương - 3 phương án điều chỉnh giá

Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP - cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 84/2009/NĐ-CP có nhiều điểm sửa đổi cho phù hợp với tình hình thị trường. Dự thảo lưu ý đến các Điều 25, 26, 27 của Nghị định 84. Đặc biệt, Điều 27 về giá dự thảo đưa ra 3 phương án:

Phương án 1, dự thảo tăng quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu từ 10 ngày lên 15 ngày đối với trường hợp tăng giá; thời gian tối đa đối với trường hợp giảm giá cũng theo đó tăng lên 15 ngày. Khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyên.

Phương án này cũng tương tự như phương án điều hành giá Điều 27 của Nghị định 84 là giao cho DN tự định giá trong một mức độ nhất định. Tuy nhiên mức độ tự chủ của DN thấp hơn so với Nghị định 84.

Theo đó, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm giá.

Ngược lại, trong trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng (trước đây phạm vi là 7%).

Khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 5% đến 10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 60% phần tăng thêm. 40% còn lại được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Phương án 2, cố định mức giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày. Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên Bộ công bố.

Nếu giá cơ sở vượt quá giá giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh tăng đến 5%, phần còn lại liên bộ quyết định sử dụng các biện pháp bình ổn theo quy định của pháp luật. Nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh giảm đến 5%, phần còn lại liên bộ quyết định trích lập quỹ bình ổn giá hoặc tăng thuế nhập khẩu.

Phương án 3, mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch, căn cứ vào hóa đơn bán hàng của mình.

Cũng theo ông Võ Văn Quyền, qua tham khảo nhiều cơ quan, tổ chức, phương án 1 được dư luận đồng tình hơn cả. Phương án 2 tuy ổn định hơn, nhưng giá xăng dầu trong nước sẽ phản ánh chậm một nhịp so với giá thế giới.

Bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?

Ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA)- cho rằng, Nghị định 84 có những ưu điểm rõ rệt, bao phủ hết các nội dung kinh doanh xăng dầu; thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn và điều chỉnh giá bán lẻ (tuy nhiên điều này chưa được thực hiện đúng như Nghị định); đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng cho nhu cầu xã hội; đa dạng hóa các thương nhân đầu mối; từng bước tạo cho người tiêu dùng làm quen với việc thay đổi giá bán lẻ xăng dầu…

Dù vậy, ông Ruệ nhấn mạnh: “Một số quy định trong Nghị định 84 rất khó thực hiện nếu không nói là không thể thực hiện được".

“Như Quy định tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m3 chưa sát với tình hình thực tế. Để có một kho chứa xăng như vậy, tổng đại lý phải cần có một diện tích lớn; kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án không dưới 3 năm”- ông Ruệ đưa ra ví dụ.

Đặc biệt, việc hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá còn nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng Quỹ. Quy định tại Điều 26 theo ông Ruệ, việc trích lập Quỹ bình ổn thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý. Quy định không làm rõ các nguyên tắc quản lý, quy mô và việc sử dụng quỹ. Còn quá lạm dụng Quỹ bình ổn để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết, gây bức xúc trong xã hội và chưa tạo được đồng thuận trong xã hội.


Ông Nguyễn Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Thế Dũng- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp- cho biết, trong nhiều năm nay, tại DN Quỹ bình ổn luôn luôn âm. “Cần xem xét lại, trong cơ chế thị trường có cần quỹ này hay không? Còn nếu vẫn cần quỹ thì nên quy định ở mức độ nào. Xu hướng hiện nay giá thế giới biến động khó lường, nếu khi giá quá cao thì quy định lấy quỹ ở đâu”- ông Dũng đề nghị.

Đại diện Công ty Hóa dầu Quân đội cho biết, công ty mới tham gia thị trường xăng dầu nhưng thấy rằng kinh doanh xăng dầu như “ma trận” rất phức tạp. “DN rất muốn minh bạch, nhưng chưa năm nào quỹ dương. Từ khi có Quỹ bình ổn đến nay, tổng số quỹ bị âm của chúng tôi là 26 tỷ đồng. Theo tôi Quỹ bình ổn nên để Nhà nước quản lý, vì nhiều ý kiến nghi ngờ chúng tôi lạm dụng quỹ, nhưng toàn bộ thời gian quỹ đều bị âm thì chúng tôi lạm dụng được cái gì?”- vị đại diện này than thở.

Do đó, VINPA đưa ra đề xuất về 2 phương án về quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó có phương án bỏ quỹ này.

Thứ nhất, nên bỏ quỹ bình ổn giá vì khi thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán xăng dầu và người dân chấp nhận giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường, khi đó việc lập quỹ bình ổn là không cần thiết. Việc bỏ quỹ sẽ làm giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu.

Còn trong phương án giữ lại quỹ bình ổn giá, VINPA kiến nghị đổi tên là “Quỹ dự trữ tài chính”. Trong trường hợp này, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ. Việc hình thành quỹ này có thể lấy từ 2 nguồn: trên cơ sở tăng chi phí định mức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích 0,5% doanh số để trích lập quỹ (tương đương 130 đồng/lít xăng); hoặc trích lập một khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.

Về quản lý quỹ, theo VINPA, quỹ này sẽ do doanh nghiệp tự quản lý cho 2 mục đích chính. Trong đó, với trường hợp nếu việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nhiều hơn số tiền có trong quỹ mà doanh nghiệp đang quản lý thì Nhà nước có trách nhiệm bù đắp khoản chênh lệch này để tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ do cơ chế.


Ông Nguyễn Văn Tiu đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá.

Trước quan điểm của VINPA, ông Nguyễn Văn Tiu- đại diện một tổng đại lý xăng dầu đồng tình: Nên bỏ quỹ bình ổn giá. Ông Tiu cho rằng, quỹ bình ổn không được sử dụng minh bạch, bởi vì quỹ bình ổn trích từ giá có nhiều bất cập.

Giữ nguyên thời gian điều chỉnh giá như NĐ84

Về giá, VINPA đồng tình với phương án 1 của dự thảo nghị định nhưng đồng thời cũng khuyến nghị: “Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá; tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá và không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm”

Đồng tình với quan điểm của VINPA ông Nguyễn Thế Dũng- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp- cho rằng, giá thế giới dao động liên tục nên thời gian 15 ngày điều chỉnh giá là quá. Nếu doanh nghiệp lỗ nặng thì lấy gì để bù? Trong khi đó, quyết định tăng thuế thì nhanh nhưng giảm thuế lại rất chậm. Ông Dũng đề nghị: “Thời gian điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp”.

Cùng chung quan điểm về thời gian điều chỉnh giá như ông Dũng, ông Nguyễn Văn Tiu đề xuất thêm về tiêu chí tổng đại lý. Ông Tiu khẳng định, Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định “Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m3” thì đến nay, chưa thực hiện được việc này. Còn Dự thảo Nghị định 84/2009/NĐ-CP (sửa đổi) quy định mới “Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m3” cũng không khả thi.

Ông Tiu dẫn chứng “Đầu tư kho như vậy phải mất khoảng 2 ha đất. Chưa kể nói đến chuyện làm thủ tục xin đất, xây dựng, đấy là chưa nói đến khoản tiền tiền mua xăng dầu dự trữ 2.000 m3 (khoảng 50 tỷ đồng). Đây là số tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.


Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Petrolimex phát biểu tại hội thảo.

Phân tích về 3 phương án điều chỉnh giá trong dự thảo nghị định, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- đề nghị thực hiện theo phương án của Nghị định 84 (chưa sửa đổi). Tuy nhiên, ông Bảo có ý kiến, quản lý nhà nước chỉ can thiệp (điều hành giá) chỉ sau khi đã thực hiện hết các quy định ở phần trên của nghị định (doanh nghiệp được quyền định giá trong phạm vi nhất định), khi đó cơ quan quản lý có thể can thiệp bằng công cụ khác như Quỹ bình ổn giá, thuế…

Ổn định thuế nhập khẩu

Góp ý cho dự thảo, VINPA đưa ra quan điểm: phải ổn định thuế nhập khẩu (NK) trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý”. Ông Phan Thế Ruệ cho rằng: Thời gian qua, việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá nên mục tiêu thu ngân sách trở thành thứ yếu. Mặt khác giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế NK liên tục (năm 2010: tăng thuế NK 4 lần; năm 2011: tăng thuế 3 lần, năm 2012 tăng đến 7 lần) gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng.

Theo ông Ruệ, ổn định thuế có nhiều cái lợi: thứ nhất ổn định rõ ràng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thứ hai, ổn định thuế NK trong năm với mức thuế thấp hơn 40% so với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; thứ ba, thuận tiện cho quyết định giá bán của thương nhân đầu mối; thứ tư, ngăn chặn được những hành vi trục lợi trong tạm nhập- tái xuất xăng dầu cũng như đầu cơ kiếm lời mỗi lần tăng thuế NK.

Đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Gần chục năm rồi chúng tôi đưa ra kiến nghị nên giữ ổn định thuế bằng số tuyệt đối. Như thế Nhà nước sẽ ấn định được ngân sách rất rõ. Quan trọng hơn là ổn định thuế thì các cơ chế liên quan đến tạm nhập tái xuất sẽ bị bỏ hết, bởi vì sẽ không còn lo ngại việc trốn thuế, lách luật.

Về quỹ bình ổn ông Bảo cũng đưa ra ý kiến: Quỹ Bình ổn là sự thể hiện quản lý nhà nước. nhưng vừa qua chúng ta sử dụng đến mức để các DN bị âm quỹ. Chúng tôi kiến nghị phải quy định quy mô quỹ, giới hạn theo doanh thu khoảng 0,5% doanh thu bán lẻ xăng dầu. Nếu theo cách lập quỹ như thế thì phải là gọi là “quỹ dự phòng dao động lớn” của DN. Còn nếu là Quỹ bình ổn thì chúng tôi xin trả lại cho Nhà nước quản lý.

Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, ông Phan Thế Ruệ biết, bất cập thời gian qua là không thực hiện đầy đủ thẩm quyền quyết định giá của DN được quy định trong Điều 27. Trên thực tế, DN chỉ được quyết định 4 lần theo cơ chế hậu kiểm, 5 lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ 9/8/2010 đến nay, giá bán trong nước do Bộ Tài chính quy định.

Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu là Nghị định sửa đổi phải bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu được vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. “Nghị định là phải rõ ràng, bớt hướng dẫn đi. Quan trọng nhất là Điều 25, 26, 2 - 3 điều cốt tử trong 84 phải được sửa đổi, nếu không thì có sửa cũng không tác dụng gì"- ông Ruệ nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Petrolimex:

Bình quân 3 năm chúng ta điều chỉnh, sửa đổi quyết định, nghị định một lần để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về kinh doanh xăng dầu. Nhưng theo tôi, chúng ta cần đánh giá hết sức nghiêm túc. Nếu sửa đổi mà không thực hiện đầy đủ thì có thể lại tiếp tục phải sửa đổi.


Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội