“Kỷ niệm về anh Đỗ Mười trong thời kỳ đổi mới“

Nhà báo Hữu Thọ

Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ

08:38 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Mười, 2018

Đối với người lãnh đạo thì phẩm chất quan trọng nhất là tấm lòng với nước, với dân và những chủ trương trong các thời khắc quan trọng của đất nước.

VOV.VN giới thiệu bài viết của cố nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (NXB Chính trị Quốc gia - 2012").


Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Pác Bó, Cao Bằng, ngày 1/10/1990.

"Với anh Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Khu ủy Tả Ngạn sông Hồng thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, vì trong thời kỳ kháng chiến lần thứ nhất, tôi công tác ở Thái Bình thuộc Khu III và khi làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân rồi Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thì anh là Tổng Bí thư, rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nhiều chuyện về anh được nghe kể lại, tuy người kể là những người tin cậy nhưng không trực tiếp cho nên tôi không dám kể lại, viết ra vì sợ không hiểu hết. Chỉ xin kể những gì tôi chứng kiến trong một năm vào thời kỳ đổi mới.

Đó là năm 1997, năm có rất nhiều sự kiện phức tạp: bão số 5 lần đầu tiên đổ bộ vào Nam Bộ nơi chưa bao giờ có bão, đã làm thiệt hại tới 15.000 tỷ đồng, một số tiền rất lớn lúc đó, rồi cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu từ Thái Lan, lan rộng ra khu vực và thế giới, ảnh hưởng sâu sắc tới nước ta khi đã bước đầu hội nhập kinh tế quốc tế, 60% GDP đất nước do xuất nhập khẩu, rồi cuộc "nổi dậy" của nông dân Thái Bình...

Đối với người lãnh đạo thì phẩm chất quan trọng nhất là tấm lòng với nước, với dân và những ý tưởng, chủ trương trong các thời khắc quan trọng của đất nước, xin chỉ kể hai câu chuyện có liên quan tới sự chỉ đạo của anh:

Tình hình kinh tế nước ta đang diễn biến thuận lợi trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục tăng trưởng 7-8% một năm thì khoảng tháng 7/1997 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan rộng ra và ảnh hưởng sâu sắc tới nước ta.

Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có dịp để chúng ta nhìn lại những việc làm được rất quan trọng và đặc biệt là những yếu kém để khắc phục trên con đường tiến lên. Nước nào phát triển cũng phải đi vay, lúc đó ta mới nợ khoảng 8,5 - 9 tỷ USD Mỹ nhưng "té nước theo mưa", một số định chế tài chính thế giới lúc đó xếp nước ta vào một trong số 41 nước nợ lớn và cho rằng là một trong số 18 nước khó trả được nợ.

Chúng ta cũng nhận ra những yếu kém trong quản lý vĩ mô của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: để phân biệt giàu nghèo quá nhanh, việc giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội, nhất là nạn tham nhũng chưa tốt, vấn đề thực thi dân chủ còn có mặt hạn chế, mà Tổng Bí thư nói thẳng thắn, công khai: "Có nơi vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của dân...", không những làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế mà còn "tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định về kinh tế, xã hội" và nhân tố đó có phần tăng lên.

Nhưng quan trọng là phải có những biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế thế giới đang ảnh hưởng tới nước ta. Trong lúc này chúng ta cần nhiều vốn để kích thích nền kinh tế không để các doanh nghiệp đình đốn làm cho thất nghiệp trở thành vấn đề xã hội lớn, trong khi vốn ngân sách rất eo hẹp.

Còn nhớ lúc đó nhiều nước sẵn sàng cho ta vay 500 triệu USD nhưng điều quan trọng là với những ràng buộc mà nếu làm theo thì nền kinh tế và có khi cả chính trị cũng bị lệ thuộc, do đó Trung ương Đảng không chấp nhận. Lúc ấy tôi là Ủy viên Trung ương nhưng cũng là ở "vòng ngoài" nhưng nghe ngóng thì cũng biết được và thấy lo lắng. Trách nhiệm là phải có phương hướng làm yên lòng các cán bộ cốt cán trong thời buổi khó khăn này.

Lúc đó chuẩn bị họp mặt định kỳ các cán bộ cốt cán của Ban để truyền đạt thì đồng chí Tổng Bí thư gọi điện sang nói: "Để tớ (đồng chí hay xưng hô thân mật như thế) sang trực tiếp gặp mặt anh chị em và truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị, vì lực lượng này quan trọng lắm". Và đồng chí đi bộ từ số 4 sang số 10 Nguyễn Cảnh Chân trong đó có cơ quan Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Tại cuộc họp, đồng chí say sưa phân tích thế và lực mới của đất nước, nêu thắng lợi nhưng đồng thời nói thẳng những khuyết tật của nền kinh tế, đồng thời nói rõ không thể chấp nhận vay tiền có điều kiện để bị ràng buộc vì sẽ mất quyền tự chủ và gây ra những vấn đề xã hội phức tạp mới. Do đó, phải ra sức phát huy nội lực để vượt qua.

Chúng tôi cũng hiểu là không thể ràng buộc với các điều kiện khắt khe của nước ngoài, cần phải phát huy nội lực như những Nghị quyết của Trung ương đã khẳng định. Song, chúng tôi hiểu nội lực về phần vốn, mà vốn ngân sách theo tôi biết là không có bao nhiêu cho nên hiểu nhưng chưa tin, vì lấy đâu ra số vốn khổng lồ để có thể vượt qua thử thách to lớn này.

Đây có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi được đồng chí Tổng Bí thư nói sâu về thời cơ, thách thức, về tiềm lực mới sau 10 năm đổi mới và những quan niệm mới về nội lực của dân tộc. Nói về tiềm năng mới, đồng chí nêu nông nghiệp nước nhà đã bước đầu trở thành nông nghiệp hàng hóa, tiềm năng công nghiệp đã khác trước, đặc biệt là tiềm lực con người Việt Nam với 76 triệu dân, 35 triệu lao động (lúc đó) và với ý chí và trí tuệ tiềm tàng... nghĩa là thế lực đất nước đã thay đổi.

Đồng chí đã phân tích toàn diện về nội lực, bao gồm trước hết là năng lực ý chí, trí tuệ và năng lực mọi mặt của dân tộc, của con người Việt Nam. Đó là tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật. Đó là truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng...

Nói về vốn là thứ mọi người quan tâm thì đồng chí nêu rõ quan điểm của Trung ương, nói rõ vốn thì quan trọng, nhất là vốn con người, còn vốn tài chính thì không chỉ là vốn ngân sách mà còn là vốn trong dân rất lớn. Nếu có chính sách hợp lý để huy động thì không quá thiếu, do đó, dù vốn nước ngoài rất quan trọng nhưng vốn trong nước là chính. Nội lực, theo đồng chí còn có tinh thần tiết kiệm, sự đầu tư hợp lý và có hiệu quả, là kiên quyết chống lãng phí, tham ô...

Đồng chí nói: "Khi nói nội lực là phải nhớ tới nội lực toàn diện của dân tộc, khắc phục tình trạng người làm kinh tế thì chỉ nói về nội lực về kinh tế, người làm văn hóa thì chỉ nói nội lực về văn hóa. Nếu quan niệm nội lực toàn diện thì mới thấy nội lực của dân tộc là to lớn. Do đó, quyết tâm vượt qua thử thách bằng nội lực là chính để không phụ thuộc, không bị sức ép".

Tôi không phải không biết gì về quan điểm đó. Tôi cũng biết tư tưởng Nghị quyết mới của Trung ương nhưng vai trò người đứng đầu bao giờ cũng có ý nghĩa quyết định. Cuộc truyền đạt trực tiếp của Tổng Bí thư hôm ấy đã để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc không chỉ vì lý lẽ mà quan trọng là ở tấm lòng, lòng tin ở tính chiến đấu, lý lẽ thuyết phục của người lãnh đạo. Về tinh thần độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế, đó thực sự là bài học cho chúng tôi và cũng là kỷ niệm sâu sắc trong công tác của mình.

Việc thứ hai, đã để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi là sự khiếu kiện đông người có tính chất như một cuộc "nổi dậy" của nông dân Thái Bình năm 1997. Thái Bình vốn là quê mẹ tôi, cũng là nơi tôi tham gia kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp ở vùng sau lưng địch. Cho nên những gì xảy ra ở Thái Bình là điều chúng tôi rất quan tâm.

Sự khiếu kiện đông người dẫn tới bạo động diễn ra ở Thái Bình tháng 5/1997. Sự kiện đó thì không có gì lạ, vì với cương vị công tác của mình tôi cũng biết các vụ khiếu kiện đông người đã từng diễn ra ở Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây, Đồng Nai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bến Tre, Vĩnh Long, Hải Phòng, Hà Nội..., có nơi diễn ra những hành động có tính chất bạo lực như bắt giữ, thậm chí đánh đập cán bộ, không cho cán bộ vào làng, vô hiệu hóa chính quyền địa phương mà chúng tôi gọi là "điểm nóng" nhưng xem ra ở Thái Bình diễn ra rộng hơn, phức tạp hơn... Đặc biệt là nơi mới năm 1996 tôi đã dự Hội nghị toàn quốc giới thiệu mô hình xây dựng Đảng có hiệu quả (!), nơi dẫn đầu cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đường láng ximăng cho ô tô chạy tới xóm, thế mà bây giờ lại xảy ra sự kiện động trời này?

Theo những gì biết được thì khởi đầu là ở một xã thuộc huyện Quỳnh Côi rồi lan rộng ra cả tỉnh, 225 trong số 286 xã có khiếu kiện đông người, 78 xã có tranh chấp, 52 xã trở thành "điểm nóng" với những hành vi cực đoan như đã nêu ở trên. Như thế là rất phức tạp và bất ngờ không chỉ với chúng tôi.

Thường vụ Bộ Chính trị họp với các đồng chí Cố vấn và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình. Tôi là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa cùng đại diện một số Ban Đảng cũng được dự thính tham gia phân tích nguyên nhân còn những ý kiến khác nhau. Một số đồng chí địa phương cho là có bàn tay địch phá hoại, một số đồng chí thì cho rằng một số cán bộ về hưu bất mãn kích động. Nhưng anh Đỗ Mười, các đồng chí Cố vấn và một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị cho là không hẳn như thế, vì người dân cách mạng ở Thái Bình không dễ gì bị kích động chống chính quyền; trước hết cần xem lại sự lãnh đạo của ta.

Vốn quen biết địa phương cho nên có anh em tìm đến, tôi còn nhớ là anh V - nguyên là cán bộ vận động đồng bào có đạo ở sâu trong lòng địch, anh P - nguyên là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến đến chơi nói rằng các đồng chí cũ cùng nhau chung tiền để các anh ấy về Hà Nội trình bày với Trung ương.

Cùng chiến đấu 9 năm, tôi hiểu các anh P, V đều là những người rất tốt, các anh ấy hỏi thẳng tôi: "Cậu có tin là chúng mình là bọn xấu hay phản động không? Nhưng bọn chúng ức hiếp dân hơn cả bọn kỳ hào xưa thì người dân nào chịu được". Trước khi đến nhà tôi, nghe nói các anh đã đến trình bày với anh Đỗ Mười và anh Nguyễn Ngọc Trìu. Các anh ấy đều là những người có uy tín trong dân. Tôi nghĩ là các anh ấy có thể là người "giương cờ" nhưng không bao giờ nghĩ các anh ấy là người xấu. Vậy căn bản vấn đề là gì? Nếu tôi nhớ không nhầm thì phải 10 hôm sau lãnh đạo mới có thể kết luận nguyên nhân chính, vì biết đúng nguyên nhân mới có giải pháp đúng. Lúc này mà sai một ly sẽ đi một dặm. Sở dĩ lâu mới kết luận được, vì còn phải chờ các phái viên đến tận nơi xem xét nguyên nhân về báo cáo.

Thì ra, sở dĩ có khiếu kiện đông người, một số nơi xảy ra bạo lực chủ yếu là do: việc bán đất, thu hồi đất, giao đấu, đấu thầu đất sai thẩm quyền, không công bằng, trong thực hiện lại bất minh, sà xẻo, công tác quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, các quỹ không công khai, lãng phí, tham nhũng; huy động quá cao sức đóng góp của dân, có nơi chiếm tới 37-40% thu nhập nông nghiệp; bên cạnh vấn đề tài chính có nơi có hiện tượng ức hiếp dân của một số cán bộ rồi bao che cho nhau.

Các nơi khiếu kiện đông người, dân chúng chỉ yêu cầu hai việc: kiểm tra, kết luận các sai phạm và xử lý cán bộ có trách nhiệm. Đúng là có một số cán bộ nghỉ hưu kích động nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Nghĩa là ý kiến của anh Đỗ Mười và các đồng chí Cố vấn được thực tiễn chứng minh là đúng. Và anh Đỗ Mười đề xuất cần có Quy chế dân chủ ở cơ sở, được Thường vụ Bộ Chính trị đồng ý và giao cho anh chuẩn bị để trình bày.

Anh Mười có sự giúp sức của anh Lê Đức Bình, Trưởng ban Nội chính Trung ương, sau đó là trợ lý cho anh đi khảo sát nhiều nơi, chuẩn bị khá công phu để Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30-CT/TW, Ủy ban Thường vụ quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết và Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đi vào thực tiễn và đúng ý nguyện của dân, quy định rõ:

- Việc gì chính quyền cũng phải báo cáo rộng rãi với dân;

- Việc gì chính quyền cũng cần bàn với dân trước khi ra quyết định;

- Việc gì cũng nhất thiết phải do dân quyết định.

Đó là bản quy định mẫu, từng địa phương sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của mình mà bàn bạc với dân để thêm các quy định cụ thể hơn.

Với những gì tôi biết thì Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có vị trí quan trọng trong việc luật hóa, lệ hóa bảo đảm quyền làm chủ của dân có vai trò quyết định của Bộ Chính trị khóa VIII nhưng công lao xây dựng thuộc về anh Đỗ Mười và các anh Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Còn nhớ khi anh cử đi kiểm tra việc thực hiện ở một số nơi, tôi tới báo cáo với anh việc trở lại Thái Bình, về gặp những người dân đã nhường hầm bí mật cho anh trong chiến dịch càn quét "Con cóc" của địch, vào trại giam thăm một cậu con một cơ sở bị xử tù trong vụ lộn xộn năm 1997 vì tội chia đất, thì cậu ta nói: "Tội em đi tù là đúng rồi, vì em ký quyết định. Nhưng em ký quyết định của Đảng ủy vậy tại sao chỉ có em ngồi tù còn ông Bí thư kết luận và Đảng ủy vẫn không việc gì?"

Anh Mười nghe tôi báo cáo thấy cũng có lý, thấy vai trò lãnh đạo có quyền ra quyết định nhưng lại không có trách nhiệm gì, cần bổ sung quy định. Xem ra cũng là vấn đề chưa có lời giải cho tới hôm nay.

Kỷ niệm về anh Mười thì nhiều nhưng chỉ xin ghi tóm tắt hai việc với trí nhớ của người đã vào tuổi tám mươi lúc nhớ, lúc quên"./.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội