Bài toán giá dầu

Hà Việt

11:25 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Năm, 2019

Trong quý I năm 2019, giá dầu thế giới đã ghi nhận đà tăng mạnh nhất tính theo quý kể từ năm 2009 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, triển vọng giá dầu đang trở nên khó đoán khi Tổng thống Mỹ D.Trump gây sức ép đòi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nâng sản lượng để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ "nói không" với yêu cầu của người đứng đầu Nhà trắng.

Giá dầu thế giới đã chạm các mức "đỉnh" của sáu tháng trong các phiên giao dịch tuần cuối tháng 4 vừa qua do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt, sau khi ông chủ Nhà trắng D.Trump quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả tám quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo còn "đi xa hơn" khi khẳng định rằng, Mỹ muốn đưa sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0 và không có kế hoạch cấp tiếp quy chế miễn trừ trừng phạt sau tháng 5 này.

Năm 2018, Iran từng là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC, với sản lượng khoảng ba triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 4 vừa qua đã giảm xuống dưới một triệu thùng/ngày và việc Mỹ "cấm cửa" Teheran xuất khẩu dầu đã làm dấy lên lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt một lượng lớn "vàng đen". Bên cạnh đó, nguồn cung dầu đã trong xu thế thắt chặt do chính sách giảm sản lượng để tái cân bằng thị trường dầu thô thế giới của OPEC và các nước đối tác (OPEC+), trong đó có Nga. Nhằm đẩy giá dầu tăng, thời gian qua OPEC + đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2 % nhu cầu tiêu thụ toàn cầu từ tháng 1-2019. Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế Canada, việc OPEC cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, nhu cầu của thị trường cao, những rủi ro về địa chính trị,… sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh. Theo đó, một số tổ chức tín dụng của Canada nâng dự báo về giá dầu thô Brent năm 2019 lên 75 USD/thùng (con số dự báo trước đó là 69,5 USD/thùng) và cảnh báo về nguy cơ giá dầu sẽ leo lên 80 USD/thùng.

Trước nguy cơ giá dầu vượt khỏi tầm kiểm soát và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, Tổng thống Mỹ D.Trump gần đây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác để "hạ nhiệt" thị trường. Người đứng đầu Nhà trắng đã nhiều lần gửi thông điệp qua mạng xã hội Twitter để gây áp lực đối với OPEC làm giá dầu giảm xuống. Theo các nhà phân tích, những lời kêu gọi của ông D.Trump ít nhiều gây hiệu ứng tức thời đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Hãng tin Reuters cho biết, cuối tuần qua, trong phát biểu với báo giới, ông D.Trump tiếp tục kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu và điều này đã trở thành "chất xúc tác" giúp giá dầu Brent giao sau tại thị trường Luân Ðôn giảm 2,2 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 72,15 USD/thùng. Tại thị trường Niu Oóc, giá dầu WTI giao sau giảm 1,91 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 63,3 USD/thùng.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông D.Trump đã không nhận được phản hồi tích cực từ các nhà sản xuất dầu mỏ. Tổng thống Nga V.Putin trong phát biểu bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Trung Quốc vừa qua đã tuyên bố, nước này sẽ không nâng sản lượng khai thác dầu mỏ ngay sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt những nước và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran từ tháng 5 tới. Ông Putin khẳng định rằng, Nga và OPEC đã đạt thỏa thuận duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ ở một mức nhất định và thỏa thuận này có hiệu lực đến tháng 7 tới. Các đối tác của Nga, bao gồm cả A-rập Xê-út, sẽ không rút khỏi bất cứ thỏa thuận nào trong khuôn khổ OPEC. Trước đó, A-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của OPEC, cũng khẳng định không có kế hoạch nâng sản lượng dầu mỏ ngay sau quyết định nêu trên của Mỹ. Các nguồn tin báo chí Mỹ và Trung Ðông dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út K.Pha-li cho biết, việc điều chỉnh sản lượng khai thác của nước này sẽ dựa vào biến động của thị trường dầu mỏ, chứ không phải dựa trên giá dầu.

Trong bối cảnh Mỹ cùng các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn đang "giằng co" về bài toán sản lượng dầu như trên, giá "vàng đen" hiện trở nên rất khó dự báo. Theo các nhà phân tích, việc triển vọng giá dầu năm nay không rõ ràng đang khiến thị trường cũng như các nền kinh tế ít nhiều hoang mang, bởi rất khó có thể xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế một cách chủ động và chính xác dựa trên những thông tin không rõ ràng từ thị trường dầu mỏ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội