Chính sách chưa minh bạch, thị trường còn bất ổn- Kỳ III

Thanh Hương

09:22 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Bảy, 2013

Đây là lần thứ 3, dự thảo Nghị định mới khẳng định quyền định giá của DN, nhưng thực tế cho đến nay quyền định giá của DN chưa được thực hiện, Bộ Tài chính vẫn là cơ quan điều hành giá.

Nên công khai thời gian bình ổn giá để tránh dư luận và DN bức xúc

CôngThương-Kỳ III- NHÀ NƯỚC "QUẢN'" ĐẾN ĐẦU?

Công khai phương pháp bình ổn giá

Dự thảo quy định khá chi tiết việc giao một phần quyền định giá cho DN nhưng trong Điểm đ, Khoản 1, Điều 27 lại có nêu: “Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định nêu tại Điều này; giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Công Thương quyết định biện pháp bình ổn giá và thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.”.

Trên thực tế, từ Nghị định 55/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 6/4/2007 giao quyền định giá bán xăng cho DN, rồi tới Nghị định 84/2009/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009 đều có đề cập đến giao một phần quyền định giá bán xăng dầu cho DN. Nhưng kể từ khi ban hành các nghị định trên, DN chỉ được 4 lần quyết định giá theo cơ chế hậu kiểm, 6 lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ 9/8/2010 đến nay, giá bán trong nước hoàn toàn do Bộ Tài chính quy định với lý do Nhà nước phải áp dụng các biện pháp bình ổn, mà công cụ bình ổn giá như thế nào là do Bộ Tài chính quyết định, và thời gian bình ổn giá không được công bố là bao lâu. Nếu nghị định mới không thực hiện đầy đủ quyền định giá cho DN thì có khả năng một lần nữa mục tiêu kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường lại một lần nữa thất bại.

Trong Điểm đ, Khoản 1, Điều 27 của dự thảo cũng chưa nói rõ ai là cơ quan công bố công khai nguyên tắc, công cụ bình ổn giá trong những trường hợp cụ thể và thời gian áp dụng bình ổn trong bao lâu, thiệt hại do tham gia bình ổn giá của các DN sẽ được bù đắp theo nguyên tắc nào?

Vì thực tế đã từng diễn ra, do chấp hành mệnh lệnh bình ổn giá kéo dài trong năm 2011 mà các DN lỗ tới hàng chục ngàn tỷ đồng, đến nay vẫn chưa đưa ra hướng xử lý. Vì thế việc công bố công khai thời gian bình ổn cũng như phương pháp bù đắp thiệt hại do bình ổn của các DN sẽ minh bạch hơn, tránh cho dư luận bức xúc và doanh nghiệp cũng bức xúc. Qua đó cũng xác định rõ, DN nào lỗ do tham gia bình ổn, DN nào lỗ do kinh doanh yếu kém.

Nhà nước quản lý đến đâu

Nhận xét về dự thảo lần 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84, một số ý kiến cho rằng, các quy định trong nghị định tăng mạnh thêm phần quản lý của Nhà nước nhưng dường như bó buộc hơn phần quyền tự chủ của DN. Vì thế, để kinh doanh xăng dầu hướng tới cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì Nghị định mới cần xác định những điểm cần thiết mà Nhà nước phải quản lý trong lĩnh vực này.

Bởi vì, đến trước năm 2018 khi thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam phải mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài như đã cam kết quốc tế, Việt Nam phải tạo ra được một khung pháp lý hoàn chỉnh mà ở đó thị trường xăng dầu Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tiếp cận với thị trường thế giới và khu vực. Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng nhưng cũng không thể để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ do cơ chế, vì nếu tình trạng này tiếp tục sẽ làm yếu mòn các DN trong nước.

Vì thế, trong nghị định không nên có những quy định quá cụ thể nhưng thiếu tính thực tiễn về phương thức hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu. Trên thực tế, chúng ta đã ban hành một số văn bản pháp quy gây trở ngại cho doanh nghiệp được phát huy hết năng lực của mình trong “cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước”. Thông báo số 135/TB-BTC của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức xăng, dầu là một điển hình.

Theo một chuyên gia trong ngành xăng dầu: Để có một thị trường xăng dầu tiệm cận thị trường thế giới, nhà nước chỉ cần “quản” 4 vấn đề:

Thứ nhất,là quy hoạch phát triển hạ tầng kinh doanh xăng dầu, bao gồm hệ thống kho cảng đầu mối, kho xăng dầu dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông, hoạch định mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo hướng bảo hộ hữu hiệu toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ trên địa bàn cả nước. Hệ thống này là tài sản quốc gia, vì thế tránh tình trạng hệ thống bán lẻ xăng dầu cùng chung số phận như một số hệ thống nhu yếu phẩm của Việt Nam đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà hoạch định chính sách cần có những giải pháp hữu hiệu phát triển mạnh hệ thống này khi thị trường xăng dầu mở cửa thị trường xăng dầu vào năm 2018 theo đúng cam kết với các tổ chức quốc tế.

Thứ hai,Nhà nước phải quản lý hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các DN đầu mối XNK xăng dầu theo tiến độ, ít nhất là từng quý. Việc giao hạn mức theo quý sẽ ràng buộc trách nhiệm của các DN đầu mối trong việc đảm bảo nguồn, tránh dồn nguồn về một đầu mối nhập khẩu khi giá thế giới tăng cao.

Thứ ba,Nhà nước chỉ điều tiết giá bán lẻ xăng dầu khi giá cơ sở vượt khung quy định cho DN, tránh can thiệp quá sâu vào kinh doanh của DN gây nên một thị trường méo mó, phức tạp.

Thứ tư,Nhà nước phải hậu kiểm, giám sát việc DN chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực xăng dầu, đó là thực hiện thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Sử dụng bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương tiến hành quản lý chất lượng và số lượng xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Tóm lại,mục tiêu của Nhà nước là điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Mục tiêu này là không thay đổi. Sửa đổi nghị định lần này cần phải là một bước tiến làm rõ các vấn đề xã hội quan tâm, đó là: thị trường ở chỗ nào, quản lý nhà nước ở chỗ nào. Trong quản lý nhà nước thì cần phân định rõ cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp, khi nào thì nhà nước trực tiếp điều hành và trách nhiệm của nhà nước khi trực tiếp điều hành. Các công cụ quản lý, điều hành của nhà nước cũng cần cụ thể hóa điều kiện để sử dụng, càng cụ thể càng tốt. Có được như vậy thì mới giải quyết được các bất cập mà dư luận, xã hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng thắc mắc trong thời gian qua. Đó là điều mọi người đang trông đợi.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội