Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo (kỳ 2)

Ghi chép của Đoàn công tác Petrolimex

08:28 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Sáu, 2014
Vị Chuẩn đô đốc và anh lính trẻ

Vị Chuẩn đô đốc và anh lính trẻ

Có một điều chúng tôi nể phục là tác phong, tình cảm của vị Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải - Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Nhân dân Việt Nam, Phó trưởng đoàn công tác số 9 - người mà chúng tôi được vinh dự tháp tùng trong suốt chuyến đi này.

Thời gian Đoàn công tác số 9 vào thăm các đảo không nhiều, trong khi đó lại có nhiều hoạt động; nhưng ở đâu Chuẩn đô đốc bao giờ cũng dành thời gian quý báu của mình để trực tiếp đi kiểm tra nơi ăn, chỗ ở và thăm hỏi cán bộ chiến sĩ của mình.

Như một người anh đến với những người em của mình, Chuẩn đô đốc ân cần lắng nghe tâm tư tình cảm của cán bộ chiến sĩ trên đảo, rồi hỏi xem có thiếu thốn gì không.

Khi triển khai công việc gương mặt Chuẩn đô đốc cương nghị, nghiêm trang; khi trò chuyện thì tươi cười, thân thiết.

Hình ảnh đó làm ấm lòng tất cả cán bộ chiến sĩ trên đảo và anh em đoàn công tác. Chúng tôi thấy, từ những sĩ quan già đến những người lính trẻ ai ai cũng đều xúc động bởi cử chỉ, tấm lòng của vị Chuẩn đô đốc.

Đoàn công tác Petrolimex chụp ảnh lưu niệm cùng Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải - Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Đảo Sơn Ca

Còn 2 ngày nữa là cả nước long trọng kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôinhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người là tấm gương vĩ đại về tình yêu thương vô hạn giữa con người với con người, giữa cấp trên với cấp dưới; về tình đồng chí đồng đội chung một chiến hào. Tình yêu ấy đã kết thành sức mạnh vô biên làm lên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Màn đêm buông xuống.

Nhìn từ tầu HQ 571 vào đảo chỉ thấy hàng đèn đường ven biển.

Nhưng chúng tôi đều biết: Ở đó, những người Chiến sĩ Trường Sa quả cảm yêu quý của chúng ta vẫn đang đứng ở vị trí làm nhiệm vụ, “đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Điều đó làm chúng ta yên lòng. Chúng tôi thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa. Chúng ta hãy xứng đáng với họ.

Chiến sĩ Trường Sa - phút giải lao sau giờ luyện tập

Đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Cô Lin - chung một chiến hào

06.5.2014. Sáng nay đoàn vào thăm Đảo Sinh Tồn Đông.

Cái tên của đảo làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh anh em trên đảo với “niềm vui đón đợi” mưa rơi để “khao nhau bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt” (Đợi mưa trên Đảo Sinh Tồn - Trần Đăng Khoa, 1982).

Nước ngọt ở đảo quý nên cán bộ chiến sĩ chia đều nhau theo định mức mỗi ngày mỗi người một số lít nhất định theo kiểu “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Ấy thế mà khách quý đến nhà là không tiếc, sẵn sàng đem ra mời khách rửa mặt, rửa tay. Cái tình đảo, cái tình người Việt mình sao mà tuyệt vời đến vậy.

Có 2 đảo cùng tên “Sinh Tồn”, nhưng đảo mà Đoàn công tác số 9 chúng tôi vào thăm là Đảo Sinh Tồn Đông.

Đảo nào cũng vậy, khi chúng tôi vào đã thấy chủ nhà đứng đợi ở cầu tầu, nét mặt vui mừng như đón những người yêu quý nhất của mình. Kế tiếp là chậu nước ngọt đầy đặn trong veo và chiếc khăn gấp vuông thành sắc cạnh đặt ngay ngắn trên chiếc khay sạch sẽ.

Ở Đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi nhận thấy chủ và khách trò chuyện hỏi han nhau được nhiều hơn. Mấy đảo trước, có nơi khách đông hơn chủ nhà làm chủ nhà hơi bối rối dường như tự hỏi: Làm sao đón khách được chu đáo bây giờ?.

Gặp nhau, chủ - khách đều tay bắt mặt mừng.

Trò chuyện với mấy sĩ quan trẻ, anh Lê Tiến Duẩn nói: Chúng mình rất tự hào đại diện cán bộ công nhân viên - người lao động Petrolimex ra thăm anh em - những người ưu tú của đất liền được ra đây bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Rồi chủ nhà dẫn chúng tôi đi thăm đảo, chụp ảnh với cây bàng vuông để làm kỷ niệm.

Ngoài cây bàng vuông, cây “mù - u”; đảo còn 2 cây nữa mà đất liền không có, đó là: cây phong ba và cây bão táp.

Mùa này sóng yên biển lặng đảo có khách. Lúc phong ba bão táp - đảo chỉ có chủ nhà với cây súng trong tay.

Cây phong ba, cây bão táp vững vàng trước phong ba, bão táp để Hà Nội “hoa sữa thôi rơi”, để “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, để “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ” Hải Phòng, để “Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất trên đời”,….

Đã đến giờ họp đoàn chính thức, mọi người tập trung về hội trường.

Anh em cán bộ chiến sĩ các đảo cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân, các tỉnh/thành phố trong cả nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, của thể toàn nhân dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài,… - Các đảo giờ đều có điện chạy bằng sức gió và điện mặt trời. Điện chưa được nhiều lắm nhưng thế cũng đã là rất quý rồi; ưu tiên cho thắp sáng, xem ti-vi, nghe đài, đọc sách báo tài liệu và thông tin liên lạc.

Chúng tôi biết, anh bộ đội Cụ Hồ thì “khó khăn nào cũng vượt qua”. Nhưng những gì chúng tôi thấy, chúng tôi cũng nhận ra một điều: Ở nơi tiền tiêu này, món quà dù nhỏ bé từ đất liền gửi ra đều được tất cả cán bộ chiến sĩ trên đảo yêu quý, trân trọng, giữ gìn; bởi nó chứa đựng biết bao sự gửi gắm, tình cảm của đất liền.

Tại hội trường, đoàn chúng tôi bao giờ cũng được chiêu đãi món quạt điện, vừa thể hiện sự quý khách vừa sợ anh em trong đoàn chúng tôi chưa quen được với cái nóng ở đảo.

Có đảo phải hô hào nhau tiết kiệm điện từ mấy hôm trước để đãi khách quý. Có nơi, để phục vụ ca nhạc, Chỉ huy đảo quyết định bổ sung thêm bằng cách chạy máy phát điện điêzen.

Tại hội trường, chúng tôi nhìn thấy mấy dãy ghế do TP. Hồ Chí Minh tặng. Đảo không thiếu nhưng không phải là dư dật. Những tặng phẩm này là hiện diện của đất Mẹ, vừa thiết thực vừa ấm lòng người chiến sĩ nơi đảo xa.

Những món quà làm ấm lòng người chiến sĩ,

những tặng phẩm thiết thực cho sinh hoạt và thực thi nhiệm vụ

Chia tay các anh, bao giờ chúng tôi cũng chỉ nói được đúng có 2 câu trong nghẹn ngào xúc động “Cảm ơn các anh. Mạnh khỏe nhé”.

Rồi những bàn tay vẫy những bàn tay khi rời đảo.

Rồi những bàn tay nắm những bàn tay khi chúng tôi về tầu HQ 571.

Các đảo mà chúng tôi đã đến đều chưa có cầu cảng cứng đủ lớn để tầu HQ 571 có thể cập vào. Việc đưa đón đoàn từ tầu HQ 571 vào đảo và đón đoàn từ đảo về đều phải sử dụng ca-nô CQ của tầu HQ 571.

Một số đảo đã được tặng ca-nô CQ thì anh em ở đảo ra tận tầu HQ 571 đón, khi về thì tiễn ra tận tầu. Nhìn anh em ra-vào trên chiếc ca-nô CQ ghi dòng chữ “Bộ Công Thương kính tặng”, chúng tôi thấy vui lòng đã làm được một việc nhỏ bé nhưng thiết thực, thiết yếu với cán bộ chiến sĩ Trường Sa.

Những chiếc ca-nô CQ này ngày thường sẽ sử dụng vào việc đi tuần trên biển, hỗ trợ bà con ngư dân gặp khó khăn, hoạn nạn trong lúc khai thác hải sản; cảnh báo, xua đuổi tàu bè dân sự của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Những bàn tay vẫy những bàn tay khi rời đảo, những bàn tay nắm những bàn tay khi về tầu HQ 571

Lính hải quân ít nói. Hành động trách nhiệm với mọi người, với đồng đội, với Tổ quốc - đó là ngôn ngữ tuyệt vời nhất mà chúng tôi lắng nghe được ở họ.

Ở đảo nước ngọt ít, rau xanh cũng không nhiều; nhưng vườn rau thanh niên thì xanh ngát. Mảng vừa cắt thì rất nhỏ. Có lẽ anh em không nỡ ăn vì vườn thật đẹp.

Rau ở đây vừa là thực phẩm lại vừa là cây cảnh. Thăm Vườn rau Thanh niên ở Đảo Đá Tây, chúng tôi còn thấy mấy cây cải nở hoa. Giữa sắc màu xanh biếc, bông hoa cải của Chiến sĩ Trường Sa đẹp như một Mùa xuân. Chắc vừa để ngắm, vừa để lấy hạt làm giống cho mùa sau.

Giữa sắc màu xanh biếc, bông hoa cải của Chiến sĩ Trường Sa đẹp như một Mùa xuân

Đoàn Petrolimex mỗi khi thăm đảo về chúng tôi lại tụ tập ở phòng Trưởng đoàn Đinh Thái Hương để “trà đạo”. Chúng tôi khoe với nhau các bức ảnh vừa chụp được, đoạn video vừa ghi được; chia sẻ với nhau tâm tư tình cảm về cán bộ chiến sĩ mà mình vừa gặp gỡ thăm hỏi.

Anh Trần Minh Hải - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó trưởng đoàn Petrolimex nói: Ngoài quà chung của Tập đoàn, chiều nay đem cân chè, tút thuốc lên làm quà anh em Đảo Cô Lin. Anh Nguyễn Văn Khánh thì đề xuất: Trà, thuốc lá, thuốc tây của anh em trong đoàn mang theo - bớt lại một chút thôi, còn bao nhiêu đem tất cả lên tặng anh em Nhà giàn DK1. Trưởng đoàn Đinh Thái Hương vui vẻ ủng hộ, nói: Việc này 3 anh cựu chiến binh làm thì vừa tình cảm vừa nghĩa tình đồng đội.

Đầu giờ chiều chúng tôi vào thăm Đảo Cô Lin. Các tổ cử đại diện lên thăm.

Ngủ trưa xong, lên boong tầu đã thấy Đảo Cô Lin trước mặt. Bên cạnh đảo là một tầu đánh cá, trên nóc tầu là lá Cờ đỏ Sao vàng 5 cánh kiêu hãnh tung bay. Chúng tôi vẫy tay chào nhau dù chẳng nhìn thấy rõ mặt nhau, trong lòng vui mừng vì dân mình kiên cường bám biển.

Thật ấm lòng khi thấy bà con ngư dân mình kiên cường bám biển Trường Sa

Biển bạc của ta, ta làm chủ để đón những luồng cá - món quà của biển cả, của đất trời ban tặng cho con người. Mỗi khi ra biển, người dân đều yên tâm bởi có các đảo. Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển đảo Tổ quốc; Chiến sĩ Trường Sa luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi thiếu dầu, hết nước ngọt hoặc lương thực thực phẩm, khi ốm đau bất thường, khi bão tố phong ba. Cán bộ chiến sĩ trên các đảo luôn là điểm tựa tin cậy của bà con ngư dân. Anh em cán bộ chiến sĩ ở đảo thì cũng thấy ấm lòng khi thấy bà con ngư dân ra khơi, bám biển, khai thác ngư trường để chăm lo cuộc sống gia đình mình, góp phần vào việc xây dựng đất nước mạnh giầu và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải ân cần thăm hỏi cán bộ chiến sĩ; thăm nơi ăn chốn ở, thăm bể nước và vườn rau thanh niên. Rồi vị Chuẩn đô đốc thăm tủ sách, hỏi có thiếu quyển gì không, muốn mua quyển gì không, anh em có đọc không, đọc vào lúc nào, có thấy hay và ý nghĩa không, có ai biếu tặng sách báo không, tủ sách pháp luật đã đủ chưa,... Rồi Chuẩn đô đốc xem Sổ vàng truyền thống, Sổ tâm tình đồng đội ghi lưu bút của anh em ở đảo. Chúng tôi thấy cán bộ chiến sĩ ở đảo nào cũng hãnh diện về mình, về đảo và tự hào về người Thủ trưởng cấp cao của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải - Chủ nhiệm Chính trị Hải quân thăm tủ sách pháp luật

và xem Sổ tâm tình đồng đội tại Đảo Cô Lin

Trò chuyện với cán bộ chiến sĩ trên các đảo, chúng tôi biết các anh đến từ khắp các miền quê của Tổ quốc: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, ...

Một số anh em đang trực chiến nên chúng tôi không nán lại lâu. Chụp với nhau kiểu ảnh làm kỷ niệm, trao cân chè và tút thuốc lá gọi là quà của Đoàn 7 anh em Petrolimex rồi chúng tôi ra địa điểm giao lưu văn nghệ.

Vị trí Đảo Cô Lin chúng tôi vào thăm chính là nơi 26 năm trước, ngày 14.3.1988 Thiếu tá - Thuyền trưởng tầu HQ 505 Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, sáng suốt quyết định lao tầu lên giữ đảo trong một trận chiến không cân sức với quân Trung Quốc ra cướp đảo của Việt Nam ta.

Cách Đảo Cô Lin không xa (khoảng 2 hải lý) là Đảo Gạc Ma.

Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cướp từ năm 1988 và chiếm đóng bất hợp pháp cho đến tận bây giờ.

Trong trận chiến đấu bảo vệ Đảo Gạc Ma, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong một thế đứng hiên ngang trước họng súng tàn bạo của quân thù.

64 cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam - tay trong tay, đã đi vào biển cả.

Đây cũng là lý do để Đoàn công tác số 9 tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển thiêng liêng này.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam tại vùng biển Cô Lin & Gạc Ma(xemVideo)

Lễ tưởng niệm thật trang nghiêm và xúc động.

Tất cả Đoàn công tác số 9 cùng thủy thủ tầu HQ 571 tập trung trên boong dạo (nơi có mặt bằng rộng nhất) tầu HQ 571.

Giữa biển trời Việt Nam, tất cả chúng tôi hàng ngũ chỉnh tề trước ban thờ các anh hùng liệt sĩ. Trên nóc tầu HQ 571 Cờ Tổ quốc tung bay trong gió.

Chúng tôi đứng theo thế đứng Hải quân Nhân dân Việt Nam (Hai chân rộng bằng vai, lưng thẳng, ngực nở, ngẩng đầu, mắt nhìn thẳng).

Sau các nghi lễ, nghe Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải đọc lời tưởng niệm và mặc niệm; Trưởng, Phó đoàn công tác số 9 rước vòng hoa, bát hương và lễ vật hạ lên mặt biển. Anh em chúng tôi lần lượt theo sau, mỗi người 1 nén hương, vài bông hoa tươi đem sẵn từ đất liền thành kính gửi đến anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Chúng tôi nghẹn ngào khi biết nhiều anh hùng liệt sĩ vẫn nằm lại với biển, chưa được về với đất Mẹ.

Trên boong tầu - tất cả mọi người đều lặng im. Chỉ có tiếng sóng biển lao xao vỗ mạn tầu. Mắt ai nấy đều ngấn lệ, dõi theo vòng hoa và ban thờ chập lại làm một, theo con nước chảy về phía các anh nằm.

07.5.2014 là một ngày trọng đại: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 59 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Qua màn ảnh nhỏ, chúng tôi biết, ở nhà tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ hoành tráng và ý nghĩa. Đoàn chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, Trưởng đoàn Đinh Thái Hương dẫn đầu, lên chúc mừng Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên tầu HQ 571.

Gương mặt các anh đầy tự hào. Chúng tôi cũng vậy.

Không tự hào sao được khi mình là dân của một dân tộc bất khuất và bao dung.

Không tự hào sao được khi Hải quân Nhân dân Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp do Bác Hồ kinh yêu rèn luyện, luôn một lòng: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã lập lên bao chiến công lẫy lừng.

Không tự hào sao được khi Tổng thống Pháp Mit-Tơ-Răng hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi có nên lên thăm Điện Biên Phủ không?” - Đại tướng tươi cười, trả lời: “Có. Có chứ. Ông nên lên. Đó là chiến thắng của Hòa bình!” và đích thân Tổng thống Pháp đã lên thăm Điện Biên Phủ.

Trưởng đoàn Đinh Thái Hương cũng không quên chúc mừng 3 anh em cựu chiến binh Petrolimex tham gia đoàn công tác này.

Hôm nay, VTV1 cũng đưa tin Việt Nam chính thức họp báo quốc tế phản đối Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thềm lục địa - đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 02.5.2014.

Việt Nam họp báo quốc tế, chính thức phản đối Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Tất cả anh chị em trên tầu HQ 571 đều bất bình, giận dữ hành vi ngang ngược của Trung Quốc vi phạm thô bạo chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế về biển.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên tầu HQ 571 rất bình tĩnh, tự tin.

Đoàn chúng tôi ai nấy đều tin tưởng vào quan điểm và phương pháp đấu tranh mà Đảng, Chính phủ đã, đang, sẽ tiến hành để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chúng ta không sợ, dân tộc Việt mình không sợ. Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của tổ tiên, cha ông ta, của dân tộc ta đã nói lên điều ấy.

Chúng ta có sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của dân tộc triệu người như một. Chúng ta có lời dạy của Bác Hồ kính yêu “đối với địch - phải cương quyết, khôn khéo”. Bên cạnh đó, chúng ta có triệu triệu trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới cùng hướng về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; ủng hộ Việt Nam, phản đối hành vi ngang ngược bành trướng của Trung Quốc.

Đảo Phan Vinh gắn liền với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển

Theo kế hoạch hành quân của Đoàn công tác số 9, hôm nay, chúng tôi được đến thăm Đảo Phan Vinh.

Đảo được lấy tên của Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Phan Vinh gắn liền với huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trưởng đoàn Petrolimex Đinh Thái Hương dâng hương tại ban thờ LS-AHLLVT Nguyễn Phan Vinh tại Đảo Phan Vinh

Trung úy - Thuyền trưởng tầu C235 Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ sau 11 chuyến vận chuyển an toàn vũ khí chi viện cho Miền Nam, cái đêm 29.02.1968 bị Mỹ ngụy phục kích, bao vây dày đặc bằng các phương tiện thủy quân và không quân.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu quyết liệt đến hơi thở cuối cùng; tiêu hủy toàn bộ vũ khí, tiêu hủy con tầu; không để tầu và vũ khí lọt vào tay quân địch.

Sóng lớn nên chỉ có một số ít thành viên được lên đảo thăm, tặng quà, động viên các chiến sĩ. Đoàn Petrolimex có anh Đinh Thái Hương - Trưởng đoàn và anh Nguyễn Quang Hiếu - “phóng viên chiến trường” (chúng tôi gọi anh như vậy) được tháp tùng Trưởng, Phó đoàn công tác số 9 lên đảo.

Vất vả, nhưng ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào được đến với người Chiến sĩ Trường Sa.

Mấy anh em chúng tôi còn lại ở trên tàu xem thời sự. Buổi trưa có liên hoan nhỏ, đại diện Đoàn công tác số 9 chúc mừng cán bộ chiến sĩ tàu HQ 571 thuộc Lữ đoàn 125 anh hùng đang làm nhiệm vụ đưa đoàn chúng tôi đi công tác tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Anh Đinh Thái Hương và anh Nguyễn Quang Hiếu kể lại chúng tôi nghe câu chuyện về hoạt động của đoàn vào thăm Đảo Phan Vinh, rồi trầm ngâm: “Mình thương anh em trên đảo chuẩn bị sẵn sân khấu rồi mà không tổ chức được giao lưu văn nghệ”. Anh em chúng tôi ai cũng bùi ngùi, cảm thấy nợ anh em trên đảo một lời thông cảm.

Sân khấu do cán bộ chiến sĩ Đảo Phan Vinh chuẩn bị để giao lưu văn nghệ với Đoàn công tác số 9

Càng đi, càng gặp, càng chứng kiến chúng tôi càng tin tưởng sâu sắc hơn vào ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá và sức mạnh của Hải quân ta, Quân đội ta, Nhân dân ta.

Đảo Đá Tây - cảm động tình quân dân

08.5.2014 chúng tôi vào thăm Đảo Đá Tây. Ở đây, anh Nguyễn Quang Hiếu ghi được một vài hình ảnh thật cảm động về tình quân dân.

Đoàn Văn công Đồng Tháp không chỉ làm các cán bộ chiến sĩ các đảo cảm động mà anh em Đoàn công tác số 9 chúng tôi cũng cảm động.

Tình quân dân với biết bao sâu nặng nghĩa tình

Họ đã hát bằng cả trái tim tuổi trẻ đầy yêu thương tin cậy trao tặng người Chiến sĩ Trường Sa.

Bài hát của họ hòa cùng nước mắt của sự tự hào, của sự tin yêu vô bờ bến của đất liền với biển đảo, của dân đối với quân với biết bao sâu nặng nghĩa tình.

Họ hát ngay cả khi chỉ có một vài chiến sĩ làm khán giả. Rồi họ ra tận công sự hát tặng mấy anh lính trẻ đang ca trực không vào nghe được.

Đoàn Văn công Đồng Tháp đã hát bằng cả trái tim tuổi trẻ đầy yêu thương tin cậy trao tặng người Chiến sĩ Trường Sa

Chúng tôi tin rằng, những cử chỉ sâu đậm này sẽ khắc sâu trong tim mỗi con người, không bao giờ phai.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội