Tập trung cao độ hoàn thành mục tiêu năm 2011

Thùy Linh

05:16 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Mười, 2011

15:50:09 03/10/2011 (GMT+7)

Kết quả của hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của 9 tháng đầu năm 2011 tương đối khả quan, nhiều mặt hàng đã gần chạm đích cả năm, nhưng các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương vẫn chưa mấy hài lòng bởi nhiệm vụ của quý 4 còn khá nặng nề.

CôngThương - Thứ trưởng Lê Dương Quang tại buổi giao ban trực tuyến quý 3/2011 của Bộ Công Thương, diễn ra ngày 3/10/2011, đã khẳng định: “Cần tập trung mọi biện pháp chỉ đạo, điều hành để hoàn thành mục tiêu năm 2011 và tập trung cho kế hoạch năm 2012.”.

Tăng trưởng chưa bền vững

Số liệu sản xuất sản xuất công nghiệp tháng 9/2011 được Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Vỵ đưa ra cho thấy: Tuy vẫn có tăng trưởng nhưng nhìn chung một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, giá nguyên vật liệu trong nước cũng như nhập khẩu tiếp tục diễn biến phức tạp. So với tháng 9/2010, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 12%; tính chung 9 tháng, sản xuất công nghiệp tăng 7,8%. Điểm sáng của hoạt động sản xuất công nghiệp là sự “lên ngôi” của nhóm ngành công nghiệp chế biến với mức tăng 10,7%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa tăng 71,8%, sản xuất đường kính tăng 43,2%, mô tô, xe máy tăng 19,3%, các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 13,5%, sản xuất trang phục tăng 13,4%, sản xuất giày, dép tăng 13,3%...

9 tháng, hoạt động xuất khẩu đã đạt 88% kế hoạch năm với tổng kim ngạch ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2010 (tương đương với 18,3 tỷ USD). Đặc biệt, kim ngạch XK bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 7,780 tỷ USD/tháng là mức cao nhất từ trước đến nay. Có 20 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 76,87 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2010; đưa con số nhập siêu ở thời điểm này là hơn 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung thì nhập siêu 9 tháng ước gần 9,4 tỷ USD, bằng 13,9% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực châu Á.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9 ước đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tính chung 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Vỵ cũng lo ngại, tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường còn thiếu ổn định và bền vững, mức tăng qua các tháng không cao (phần lớn tăng dưới 2%/tháng), đồng thời các nhóm du lịch và khách sạn, nhà hàng đều tăng thấp hơn mức tăng chung, điều này cho thấy ảnh hưởng của lạm phát cao làm suy giảm sức mua thực và xu hướng tiết giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Tập trung cho giai đoạn nước rút

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Quý 4 là giai đoạn nước rút trong việc hoàn thành kế hoạch của năm 2011, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015. Vì thế, việc tập trung để có được kết quả tốt nhất theo mục tiêu đã đề ra là nhiệm vụ mà Ngành Công Thương phải dốc toàn lực.

Ông Nguyễn Tấn Lộc- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho biết, trong quý 4, EVN xác định đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, dự tính sản lượng điện quý 4 đạt 27,3 tỷ kwh, đưa tổng sản lượng điện cả năm (sản xuất và mua nước ngoài) là 107 tỷ kwh; đưa vào hoạt động 4 tổ máy của các nhà máy điện. EVN đang chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành tốt điện phục vụ cho nền kinh tế, đảm bảo tích nước cho mùa khô của năm 2012.

Theo bà bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, quý 4 là thời điểm đặc thù trong kinh doanh, vì cuối năm các DN phải chuẩn bị tạo nguồn hàng cho Tết. Petrolimex cũng đặt mục tiêu hàng đầu trong những tháng này phải đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho thị trường.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho hay: Đến hết 9 tháng, tăng trưởng toàn ngành đạt 32%, XK đã đạt 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu của tháng 9 đã chậm hơn tháng trước và trong quý 4 dự báo sẽ có nhiều khó khăn . Thực tế là tình hình thị trường đang có những diễn biến chậm lại, nhiều DN vừa và nhỏ của ngành dệt may đã ít nhận được các đơn hàng cho sản xuất từ tháng 10 và những tháng đầu năm 2012. Nhưng ông Trường khẳng định: Vinatex sẽ cố gắng hoàn thành được kế hoạch đề ra, với mục tiêu đăng ký kim ngạch XK là 13,2 tỷ USD, chúng tôi dự kiến sẽ đạt được 13,5 tỷ cho năm 2011.

Sở Công Thương các địa phương cũng sẽ triển khai nhiều chương trình hành động cho những tháng cuối năm. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng, trong quý 4, ngoài việc tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thực hiện chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, Sở sẽ đẩy mạnh công tác khuyến công, phát triển cụm công nghiệp làng nghề; tổ chức tháng khuyến mãi vào tháng 11/2011. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Quý 4/2011, Ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tập trung vào hoạt động quy hoạch các lĩnh vực chủ chốt như quy hoạch lưới điện, công nghiệp phụ trợ, quy hoạch mạng lưới thương mại và cụm công nghiệp.

Dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do mặt bằng lãi suất, chi phí đầu vào cao... Ngành Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất có thể; theo dõi, kiểm tra kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm bảo đảm tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án cần phải hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2011, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu...

Dự kiến, tổng mức bán lẻ năm 2011 tăng khoảng 22% so với năm 2010, đạt 1.880 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2011 ước đạt 927,89 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 95 tỷ USD, tăng gần 31,6 %; Kim ngạch nhập khẩu ở mức 105 tỷ USD, tăng 23,8% và nhập siêu khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5 % tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thùy Linh

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội