Hành trình cùng những “chiến binh”

Nguyễn Hải

02:38 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Sáu, 2018

Kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng đã khó, đưa và kinh doanh xăng dầu tại vùng cao, vùng xa còn khó gấp vạn lần. Đường sá hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, thời gian giao hàng lâu, thị trường xa mà hẹp… là thách thức không nhỏ. Thế nhưng, với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hơn 60 năm qua, cán bộ, người lao động vẫn miệt mài, đưa xăng dầu đến với mọi vùng miền Tổ quốc.

Vững vàng sau tay lái

Nối dài trải nghiệm cùng xe xi téc

Tôi là một trong số ít phóng viên được đi cùng xe xi téc của Petrolimex đưa xăng dầu lên vùng cao, vùng xa đến 2 lần. Địa điểm và thời gian có thể khác nhau nhưng tôi luôn cảm nhận được sự vất vả, vượt qua khó khăn, đảm bảo nguồn cung năng lượng của những người “chiến binh” Petrolimex.

6 năm trước (2012), chúng tôi cùng xe xi téc xuất phát từ Hà Nội lên đến huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Nay, cung đường từ kho K133 (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) thuộc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đến Sốp Cộp có nhiều đổi thay, nhưng dường như, khó khăn đối với cánh tài xế xe xi téc còn nguyên vẹn. Điều cảm nhận rõ rệt nhất sự thay đổi tích cực lại đến từ chính… chiếc xe. Nếu như 6 năm trước, xe xi téc ồn, vận chuyển khối lượng ít, tiện nghi kém, thì nay đã được cải thiện.

Lái xe Trần Xuân Hoàng, dù mới hơn 30 tuổi nhưng đã có gần chục năm chạy tuyến Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Điện Biên. Anh Hoàng cho biết, tuyến xa nhất là chở xăng dầu lên huyện Mường Nhé (Điện Biên), mất khoảng 3 ngày; đến Sốp Cộp khoảng 1,5 ngày.

Trên hành trình từ Hà Nội đi Sốp Cộp, anh Hoàng tâm sự: Cung đường nhiều nguy hiểm nhất là trên đèo Thung Khe, đèo 81 (Hòa Bình). Những đoạn cua dốc, nếu không cẩn thận hoặc tỉnh táo, cả chiếc xe hàng chục tấn rơi xuống vực như chơi. Lo hơn, vào ngày sương mù, đoàn xe xi téc bật đèn pha mà hơn 1m cũng không nhìn thấy nhau. Nếu xảy ra va chạm, tai nạn, không biết điều gì xảy ra!

Cung đường Tây Bắc đẹp nhưng cũng rình rập nhiều hiểm nguy, không chỉ bởi địa hình hiểm trở hay thời tiết khắc nghiệt mà còn từ chính những “cạm bẫy” trên đường. Anh Hoàng chia sẻ thêm: Một người bạn của anh, lái xe xi téc cho một công ty xăng dầu tư nhân, trên đường từ Sơn La về Hà Nội, đến Mộc Châu đã cho hai vợ chồng đi nhờ về Hà Nội. Đến địa phận Hòa Bình, lực lượng chức năng ập vào khám xét, anh bạn của Hoàng mới té ngửa bởi đây là những đối tượng chuyên đánh “hàng trắng” về Hà Nội.

Do đó, anh Hoàng không bao giờ cho người lạ đi nhờ bởi “sai một ly, đi một dặm”. Bên cạnh đó, lái xe đường dài thường mệt mỏi, nhưng nghỉ ở đâu cũng phải tìm hiểu kỹ. Nếu không, nhẹ nhàng thì xe bị hút trộm dầu, nặng hơn, kẻ trộm bơm thuốc mê vào buồng lái, lấy trộm tài sản của lái xe.

Nghỉ đêm tại thành phố Sơn La, sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường vào Sốp Cộp. 6 năm qua, đường sá đã tốt hơn nhiều trước đến nay Ngầm nước chảy xiết mà xe xi téc phải gian nan lội qua trước đây nay đã được thay bằng cầu bê tông cốt thép. Sốp Cộp đang đổi thay từng ngày. Cả thị trấn trông như một công trường, nhà cao tầng bắt đầu mọc lên nhiều. Cửa hàng xăng dầu cũng không ngoại lệ…

Trách nhiệm và tự hào

Cửa hàng số 20 Sốp Cộp, thuộc Chi nhánh Sơn La, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình. Thủa ban đầu thành lập, đây là cửa hàng duy nhất tại thị trấn. Đến nay, đã có 4 cửa hàng xăng dầu. Sức “nóng” cạnh tranh đã phả đến tận vùng sâu, vùng xa. Anh Ngô Thanh Tùng - Cửa hàng trưởng - cho biết, thời gian tới, Sốp Cộp còn thêm 2 cửa hàng nữa được khai trương, mở bán.

Kinh doanh gặp nhiều thách thức nhưng cửa hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng. Khách hàng tin thương hiệu Petrolimex, quý mến người lao động nên dù có ở xa vẫn tìm đến để mua. Tại Cửa hàng số 20 Sốp Cộp, bán lẻ chiếm khoảng 60%, số còn lại bán cho công trình xây dựng, thủy điện. Và nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex luôn có lượng dự trữ lớn hơn nhu cầu, đảm bảo đáp ứng khi cần thiết.

Ngoài Sơn La, Lai Châu và Ðiện Biên thuộc diện những tỉnh khó khăn nhất cả nước và khu vực Tây Bắc. Trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, xăng dầu luôn là mặt hàng chiến lược gắn liền với đời sống sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Nét đặc thù của hoạt động kinh doanh xăng dầu ở đây là cung đường vận chuyển xa, hao hụt lớn dẫn tới chi phí kinh doanh cao, lợi nhuận giảm. Thậm chí, tại các huyện vùng sâu, vùng xa, càng bán càng lỗ.

Gian nan đưa xăng dầu lên vùng cao

Ông Vũ Trọng Trung - Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Xăng dầu Lai Châu - cho biết, công ty có 22 cửa hàng xăng dầu, trải khắp trên địa bàn, đến các vùng xa xôi nhất. Tuy số lượng chiếm chưa đến 50% tổng số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, nhưng thị phần công ty khoảng 70%. Thương hiệu, chất lượng cũng như độ phủ của cửa hàng xăng dầu là nguyên nhân chính khiến sản lượng xuất bán được duy trì. Thậm chí, cửa hàng xăng dầu tại huyện Mường Tè của công ty có sản lượng bán rất cao.

Theo ông Trung, địa bàn càng xa, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân càng ngại đầu tư bởi chi phí lớn, cung đường đưa xăng dầu lên nguy hiểm. Đơn cử như đến huyện Mường Tè, xe phải vượt tiếp một chặng đường 320 km trong điều kiện đường xấu, hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, mùa mưa lũ rất dễ gặp tai nạn.

Cửa hàng xăng dầu Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) trước đây lấy hàng từ kho Hà Nội phải vượt chặng đường 710 km, đến nay, lấy từ kho Lào Cai, đường vận chuyển được rút ngắn cũng phải đi tiếp hơn 300 km. Tính toán của công ty cho thấy, chi phí vận tải chiếm phần lớn.

Tại Công ty Xăng dầu Lào Cai, ông Dương Tuấn Dũng - Chủ tịch kiêm giám đốc công ty - chia sẻ, dù là địa bàn vùng cao nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt ở thành phố do hạ tầng giao thông từ Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác tới Lào Cai hết sức thuận lợi.

Kinh doanh ở thành phố Lào Cai đã khó, nhưng tại các huyện còn khó hơn. Phần lớn cửa hàng xăng dầu của công ty nằm trên địa bàn các huyện miền núi, vận chuyển xăng dầu từ kho đến cửa hàng xa, yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ. Ông Dũng ví dụ, nhiệt độ tại Sa Pa vào mùa đông có khi chênh lệch với nhiệt độ tại kho ở thành phố 8-10oC; ít hơn thì huyện Bắc Hà, Si Ma Cai ( chênh 6-8oC), nên khi đưa hàng lên vùng cao, xăng dầu co lại, dẫn tới khi kiểm tra, khối lượng thấp hơn thực tế.

Đưa xăng dầu lên vùng cao, vùng xa đã khó nhưng kinh doanh cũng không hề dễ dàng. Có thể khẳng định, mỗi cán bộ, người lao động Petrolimex tại vùng cao thực sự là những “chiến binh” trên thương trường…

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội