Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Nguyễn Hải

11:07 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Sáu, 2012

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Là thành viên thứ ba của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn hôm nay (ngày 14/6/2012), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung chủ yếu của các câu hỏi chất vấn xoay quanh việc kinh doanh xăng dầu, điện, chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng như giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh....

CôngThương -Không có lợi ích nhóm, độc quyền trong kinh doanh xăng dầu

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) bày tỏ lo ngại về việc kinh doanh xăng dầu vẫn còn độc quyền. Đại biểu đặt câu hỏi là làm như thế nào để phá vỡ thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay trên cả nước đã có 12 đầu mối về nhập khẩu và phân phối xăng dầu, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân chứ không riêng DNNN. Vì thế không thể nói là kinh doanh xăng dầu còn độc quyền. 12 doanh nghiệp này đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng của người dân.

Còn ý kiến nói về độc quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Bộ trưởng cho rằng, việc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam giữ vai trò thống lĩnh trên thị là là do lịch sử để lại, được hình thành một cách tự nhiên mà không vi phạm luật. Với vai trò chủ lực của mình cùng hệ thống phân phối được hình thành từ nhiều năm nay, nên thị phần Petrolimex chiếm bình quân khoảng 50%. Đặc biệt, trong lúc xăng dầu thế giới biến động như năm 2010- 2011, nếu không có những tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty nhà nước vì lợi ích chung, thậm chí chịu lỗ nhưng vẫn duy trì mạng lưới cung cấp xăng dầu thì không rõ hậu qủa như thế nào. Đó là vai trò tích cực cần được xã hội và nhân dân ghi nhận.

Ngoài ra, thực hiện theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, việc đa dạng hóa các hình thức phân phối xăng dầu và các thành phần tham gia vào xăng dầu đã bước đầu được thực hiện. Nếu tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị định 84 thì thị trường xăng dầu sẽ là thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa cho phép DN nước ngoài tham gia kinh doanh mặt hàng này.

Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm đó là giá xăng dầu. Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng cao ngay. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước giảm chậm, giảm ít. Lợi ích luôn đứng về phía doanh nghiệp. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, một trong những quy định của Nghị định 84 đó là yêu cầu các thương nhân đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu theo đúng tiến độ kể cả khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động, vì thế khi điều chỉnh tăng giảm giá xăng dầu phải trên cơ sở mức giá trung bình của 30 ngày trước đó. Nếu tăng giá thì tối thiểu khoảng cách lần sau với lần trước là 10 ngày; giảm giá thì tối đa 10 ngày. Việc lấy giá cơ sở của 30 ngày trước đó dựa trên quy định Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có dự trữ trong lưu thông là 30 ngày.

Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiêm túc xem xét quá trình thực hiện Nghị định 84, nếu thấy có gì bất hợp lý thì phải báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi. Hiện nay, hai Bộ đang phối hợp, đánh giá quá trình thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, không có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu. Nghị định 84 đã động viên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp ở địa phương, có doanh nghiệp nhà nước. Như vậy là xã hội hóa trong kinh doanh xăng dầu chứ không phải chỉ có doanh nghiệp riêng ở một bộ, một ngành nào. Thậm chí tới đây, dự án lọc dầu ở Nghi Sơn sẽ được triển khai có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả việc phân phối trong phạm vi sản phẩm của họ.

Năm 2022 sẽ có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh

Cũng câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hùng về độc quyền của ngành điện, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu tiếp tục độc quyền như hiện nay, điện sẽ thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Vừa qua, Bộ đã ban hành các chinh sách để xóa bỏ thế độc quyền doanh nghiệp. Cụ thể: sau một thời gian thí điểm, từ tháng 7/2012, sẽ chính thức phát triển thị trường điện cạnh tranh. Các doanh nghiệp sẽ được chào giá và căn cứ vào đó Trung tâm điện lực quốc gia sẽ lựa chọn. Đến năm 2014, tiến hành phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh. Và đến năm 2022, sẽ phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về lộ trình xóa độc quyền trong ngành điện đến năm 2022 mới hoàn tất (mất 17 năm) là quá lâu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân là mặt hàng điện rất đặc thù, vừa phải thực hiện dần theo giá thị trường, vừa phải đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thực hiện cần khẩn trương, nhưng thận trọng. Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát lại, xem có thể rút ngắn ở những khâu nào. Nếu thuận lợi, có thể sẽ hoàn thành trước thời điểm nêu trên.

Liên quan đến đập thủy điện Sông Tranh 2, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ về chất lượng của đập thủy điện này. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, lưu lượng nước thấm qua đập đúng là lớn. Hội đồng giám sát chất lượng Nhà nước đã có ý kiến và sẽ phải nghiêm túc xử lý. Về chất lượng, Bộ trưởng khẳng định là chưa có cơ sở nói là chưa an toàn, nếu phát hiện không an toàn thì sẽ kiên quyết dừng ngay. Đối với việc chưa kiểm tra hết các công trình thủy điện là do lực lượng còn mỏng, nhưng đây một phần là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Bộ trưởng hứa trước Quốc hội muộn nhất là trước 2014 sẽ hoàn tất vấn đề này

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: Tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng đang gây thất thu ngân sách, sản xuất hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, sức khỏe người dân. Bộ Công Thương có giải pháp gì cho vấn đề này? Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại rất cấp bách. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng cũng thừa nhận việc chống gian lận thương mại, hàng gian hàng giả tràn từ nước ngoài về Việt Nam là rất khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan là công tác kiểm tra, giám sát hải quan còn nhiều yếu kém. Việc xử phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường khả năng cũng có hạn, có xảy ra tiêu cực, góp phần cho hành vi gian lận thương mại có đất phát triển.

Để giải quyết vấn nạn này, Bộ Công Thương tiếp tục có bổ sung sửa đổi về xử phạt chế tài gian lận thương mại, tăng cường quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi, hiện đại, nếu không có đủ phương tiện ứng phó thì khó xử lý, phát hiện. Do vậy, phải trang bị công cụ, phương tiện hiện đại để đối phó.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội